Truyền thống khoa cử Kim Hoàng

Kim Hoàng có 4 người đỗ tiến sĩ, 31 người đỗ Hương cống, Cử nhân và nhiều người đỗ Sinh đồ, tú tài.

Dòng họ Trần nổi tiếng ở thôn Kim Hoàng bốn đời nối nhau đỗ đạt, người đầu tiên là Trần Hiền (Hoè Hiên tiên sinh). Ông đậu tiến sĩ khoa Quý Sửu 1733 dưới triều Lê, sung chức hàn lâm viện thị giảng. Con Trần Hiền là Trần Huân, hiệu là Yên Lý tiên sinh đậu Cử nhân khoa Ất Dậu (1745) đời Lê được bổ nhiệm làm chi phủ Lâm Thao.

Trần Bá Lãm (1757-1815), con trưởng của Trần Huân, là học trò của tiến sĩ Nguyễn Quí Hiển. Ông đậu giải Nguyên khoa thi hương, năm Cảnh Hưng thứ 40 (1779) lúc tròn 22 tuổi. Năm Cảnh Hưng thư 44, ông phụng mệnh làm phúc khảo trường thi Nghệ An khoa Quí Mão (1783). Năm Nhâm Ngọ (1786), khi hoàng tự tôn của vua Lê Hiện Tông là Lê Duy Kỳ lên nắm chính sự, ông sung chức thị nội văn chức. Năm 1787 Lê Duy Kỳ chính thức lên ngôi, đặt niên hiệu Chiêu Thống. Để thu phục nhân tâm và theo đề nghị của Nguyễn Hữu Chỉnh, cho mở chế khoa để thu phục người tài. Số người vào điện thi có tới trên 200, chỉ có hai người được lấy đỗ. Trần Bá Lãm ở vị trí đậu đệ nhất giáp. Do sinh vào thời thác loạn nên ông chẳng được yên để yến vũ tu văn, bước hoạn đồ của ông chịu nhiều thăng trầm trôi nổi, phải trải qua ba triều đại và năm đời vua. Ông được giữ chức cấp sư trung rồi thăng hàn lâm viện hiệu uý, rồi được bổ giữ chức Hải Dương đốc đồng tham hiệp nhung vụ, được phong tước Canh nhạc bá dưới thời Lê Chiêu Thống. Con Trần Bá Lãm là Trần Bá Kiên đậu giải nguyên khoa Đinh Mão (1807) sung chức phó sứ như thanh cầu phong, nhưng vì chánh sứ không đi được, ông thay quyền đó là năm Minh Mạng nguyên niên.

Ở Kim Hoàng còn có dòng họ Lý Trần (gốc họ Đặng) có cụ Đặng Trần Diễm là thầy dạy cho 3 người con đều đỗ tiến sĩ, được nhận sắc phong của Vua “Giáo tử đăng khoa”. Các con của ông là:

  • Lý Trần Quán, đậu Cử nhân năm 19 tuổi, năm 32 tuổi đỗ tiến sĩ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Lý Trần Quán đã từng đảm nhiệm các chức vụ: hiến sát sứ Hải Dương, đốc đồng tỉnh Cao Bằng, hiệp trấn tỉnh Sơn Tây, sau cùng là đông các đại học sĩ Quốc tử Giám tu nghiệp. Ông đã tự chôn sống mình để trả giá cho sự sai lầm là quá tin học trò, đến nỗi trao chúa vào tay quân phản bội, đó là tháng 7 năm 1786, lúc đó ông đang ở làng Hạ Lôi (Yên Lãng). Sau này, khi vua Lê Chiêu Thống lên ngôi, năm Đinh Mùi (1787) đã truy tặng Lý Trần Quán làm Đại vương, phong phúc thần và ban cho đôi câu đối: “Khảng khái cần vương dị; Thung dung tựu nghĩa nan”.
  • Lý Trần Dự đỗ tiến sĩ năm 25 tuổi, cùng khoa thi với Lý Trần Thản năm 1769.
  • Lý Trần Thản (17211776, con của vợ thứ) cũng đậu tiến sĩ năm 1769, nhưng Lý Trần Thản theo về quê mẹ ở Lê Xá, xã Châu Sơn, huyện Duy Tiên, Hà Nam

Danh sách các vị tiến sĩ làng Kim Hoàng:

  1. Trần Hiền (1684 - 1742) thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ khoa Quý Sửu 1733, đời Lê Thuần Tông
  2. Lý Trần Quán (1735 – 1786) thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ khoa Bính Tuất 1766, đời Lê Cảnh Hưng
  3. Lý Trần Dự (1746 – 1777) thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ khoa Kỉ Sửu 1769 đời Lê Cảnh Hưng
  4. Trần Bá Lãm (1758 – 1815) thi đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ khoa Đinh Mùi 1787, đời Lê Mẫn Đế